M là một học sinh lớp 12, luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Nhưng thực tế, M đang phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình. Cha mẹ M là những người thành đạt, họ mong muốn cậu sẽ trở thành một bác sĩ giỏi. Áp lực học tập đã khiến M cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Minh thường xuyên bị đau đầu, mất ngủ. Cậu cũng cảm thấy không còn hứng thú học tập, thậm chí là muốn bỏ học…

Đây chính là 1 ví dụ điển hình về hội chứng con vịt (duck syndrome) – một khái niệm được sử dụng để mô tả tình trạng một người bề ngoài luôn tỏ ra bình thản, tự tin, không cần cố gắng, nhưng thực chất lại đang phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác để đạt được thành công. Thuật ngữ này được bắt nguồn từ hình ảnh một con vịt bơi trên mặt nước. Trên bề mặt, con vịt trông có vẻ nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhưng bên dưới, đôi chân của nó phải đạp liên hồi để giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước.

Hội chứng con vịt là vấn đề phổ biến nhất trong giáo dục hiện nay. Hội chứng này thường gặp ở những học sinh có thành tích học tập tốt, được đánh giá cao bởi thầy cô và bạn bè. Những học sinh này thường tỏ ra tự tin, thoải mái, không hề có vẻ gì là đang phải cố gắng. Tuy nhiên, thực tế, họ đang phải chịu rất nhiều áp lực từ học tập, kỳ vọng của gia đình và xã hội…

Nguyên nhân của hội chứng con vịt trong giáo dục

Hội chứng con vịt thường bắt nguồn từ áp lực học tập. Áp lực học tập có thể đến từ nhiều phía, bao gồm:

Áp lực từ bản thân học sinh

Một số học sinh có bản tính cầu toàn, sợ bản thân thua kém người khác nên luôn muốn đạt được những thành tích tốt nhất. Họ tự tạo áp lực cho bản thân để có thể đạt được mục tiêu của mình, trở thành người hoàn hảo nhất trong mắt mọi người.

Kỳ vọng của gia đình

Cha mẹ là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của con cái. Kỳ vọng của cha mẹ có thể là động lực thúc đẩy học sinh học tập, nhưng cũng có thể là áp lực khiến học sinh phải cố gắng quá sức. Những học sinh có cha mẹ kỳ vọng cao thường phải nỗ lực gấp nhiều lần để đạt được thành tích như mong muốn của cha mẹ. Một học sinh có cha mẹ là những người thành đạt, họ mong muốn con mình cũng sẽ thành công trong tương lai. Cha mẹ học sinh này sẽ thường xuyên nhắc nhở con phải học giỏi, không được thua kém bạn bè. Áp lực từ cha mẹ khiến học sinh này luôn phải cố gắng hết sức để đạt được thành tích cao, thậm chí là phải bỏ bê các hoạt động khác như vui chơi, giải trí.

Kỳ vọng của xã hội

Trong nền giáo dục hiện nay của nước ta, điểm số được xem là thước đo quan trọng nhất của năng lực học tập. Điểm số chiếm đến hơn 90% đánh giá của người khác đối với khả năng học tập của mỗi đứa trẻ. Điều này khiến nhiều học sinh luôn phải chạy đua về thành tích, về những con số.

Áp lực học tập ngày càng đè nặng lên vai các em. Khi học sinh không đạt được những điểm số cao, thậm chí là tuyệt đối thì thầy cô, cha mẹ và tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng con là người kém cỏi, con chính là yếu tố khiến thành tích tập thể đi xuống. Chính vì thế mà nhiều học sinh luôn bị ám ảnh về những điểm số, trẻ luôn cố gắng học tập ngày đêm để giành lấy điểm 9, điểm 10.

Ảnh hưởng của hội chứng con vịt tới học sinh

Hội chứng con vịt có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới học sinh, thậm chí là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của họ. Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe không ít các vụ việc thương tâm về những em học sinh từ bỏ cuộc sống vì áp lực học tập như trường hợp nam sinh có học tại trường chuyên Hà Nội nhảy lầu ngay trước mắt bố mình khi phải học đến tới tận 3 – 4 giờ sáng. 

Học sinh mắc hội chứng con vịt thường phải chịu áp lực tâm lý rất lớn. Họ phải luôn cố gắng để duy trì thành tích, đáp ứng kỳ vọng của gia đình và xã hội.

  • Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi: Áp lực học tập khiến học sinh luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ,… Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về bệnh trầm cảm, chỉ riêng Việt Nam có tới gần 800.000 người chết vì tự tử hàng năm. Trong đó, nhóm tuổi gây tử vong hàng đầu là nằm trong khoảng 15 – 29 tuổi. Đây là một con số đang báo động.
  • Tự ti, mặc cảm: Học sinh thường cảm thấy tự ti, mặc cảm khi thấy bản thân không thể đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, nhà trường, bạn bè. Điều này có thể khiến học sinh ngại giao tiếp, thu mình lại, thậm chí dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, muốn bỏ học.
  • Học tập thiếu hiệu quả: Học sinh thường chỉ chú tâm vào việc học mà không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này có thể khiến học sinh học tập thiếu hiệu quả, dễ bị sa sút tinh thần, không thể tiếp thu kiến thức.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục hội chứng con vịt trong giáo dục, cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm gia đình, nhà trường và bản thân học sinh.

Gia đình: Cha mẹ cần hiểu rõ tâm lý của con cái, tránh đặt ra những kỳ vọng quá cao. Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, tâm sự với con, giúp con giải tỏa áp lực học tập. Hãy làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho con mình, luôn đồng hành trong sự phát triển của con.

Nhà trường: Nhà trường cần xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện, không chỉ về học tập mà còn về thể chất, tinh thần. Nhà trường cần mở các hoạt động tham vấn tâm lý trợ giúp học sinh nâng cao năng lực tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, quan hệ xã hội; định hướng nghề nghiệp.

Bản thân học sinh: Các em học sinh phải được trang bị những kỹ năng sống cần thiết để tự vượt qua được. Những kỹ năng như kiềm chế cảm xúc, làm chủ bản thân, kỹ năng hòa đồng tập thể… 

Nếu cần sự giúp đỡ, các bạn hãy inbox page Facebook EEC Vietnam để đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm về tâm lý giáo giục và hướng nghiệp tư vấn nhé!