Đi du học đồng nghĩa với việc rời khỏi vòng tay bảo bọc của gia đình, rời xa quê hương, khỏi vùng an toàn để trở nên tự lập và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. Chắc chắn theo thời gian bạn du học sinh sẽ có những thay đổi tâm lý nhất định. Điều này không chỉ xảy ở những bạn du học sinh mà còn xảy ra ở những bậc phụ huynh khi phải dứt áo tiễn con lên đường.
Trước hết chúng ta hãy bàn về những thay đổi tâm lý phổ biến của du học sinh. Các nhà khoa học đã tổng kết có 4 giai đoạn tâm lý phổ biến xảy ra: Trăng mật (honey moon), sốc văn hóa (Culture shock), Điều chỉnh (Adjustment), Chấp nhận (Acceptance). Ở giai đoạn 1, các bạn sẽ cảm thấy thích thú khi lần đầu tiên được ra nước ngoài, được nhìn ngắm tận mắt những cảnh vật mới mẻ mà mình hằng ao ước. Tâm trí sẽ luôn cảm thấy tò mò và niềm hào hứng được khám phá thành phố, ngoài ra bạn bị cuốn theo những công việc liên quan đến trường học như làm thủ tục nhập học, làm thẻ sinh viên, thẻ xe bus,… Những công việc này và cuộc sống độc lập tự chủ ngoài vòng tay kiểm soát khiến cho các bạn cảm thấy mình như một người trưởng thành thực thụ. Nỗi nhớ nhà vì thế chỉ chiếm một phần nhỏ trong tâm trí của các bạn hàng ngày.
Trong giai đoạn tiếp theo, Sốc văn hóa, các bạn du học sinh bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn và nhận ra cuộc sống du học không chỉ toàn là màu hồng. Rào cản ngôn ngữ, xung đột văn hóa, rắc rối vấn đề giấy tờ, hàng quán đóng cửa sớm, không làm quen được với bạn mới, đồ ăn không hợp khẩu vị, vân vân và vân vân. Những điều này dần dà làm cho một số bạn du học sinh cảm thấy khổ sở và không tránh khỏi việc so sánh quốc gia du học hiện đại nhưng ở nhà vẫn là sung sướng nhất. Bấy giờ các bạn có thể sẽ gặp khủng hoảng tâm lý, ảnh hưởng tới kết quả học tập hoặc dẫn tới các bệnh lý về mặt tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu,… Nỗi nhớ nhà sẽ ngày một lớn dần, choán hết tâm trí các bạn. Để tránh rơi vào tình trạng này, chúng ta nên có một số phương pháp cụ thể để có thể làm chủ được bản thân, những phương pháp này nên được sớm áp dụng chứ không cần để đến giai đoạn ba (Điều chỉnh).
- Thiết lập một lịch trình gọi video hằng tuần: Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở quê hương bằng cách thiết lập một lịch trình gọi video đều đặn. Gặp mặt trực tiếp qua video call sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn và chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ.
- Lên kế hoạch giải quyết các khó khăn: tìm cách xử lý từng vấn đề, ngoài ra luôn giữ cho bạn thân sinh hoạt lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, giữ cho tâm trí bản thân được thoải mái.
- Tìm kiếm cộng đồng người Việt tại nơi bạn du học: Tìm hiểu về cộng đồng người Việt hoặc người nói tiếng Việt gần nơi bạn ở và tham gia vào các hoạt động của họ. Gặp gỡ những người cùng quê hương và chia sẻ vấn đề đang mắc phải có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và giảm bớt cảm giác cô đơn.
- Tìm hiểu văn hóa và lối sống địa phương và tận hưởng cuộc sống du học: Học hỏi và tham gia vào văn hóa và lối sống địa phương tại nơi bạn đang du học. Thử các món ăn, tham gia vào các lễ hội và tập quán địa phương có thể giúp bạn thấy mình đang sống trong môi trường mới thú vị.
- Tập trung vào mục tiêu du học của bạn: Nhớ rằng bạn đã đi du học để học tập và trải nghiệm môi trường mới. Tập trung vào việc học và phát triển cá nhân, có thể đăng ký thêm môn học kỹ năng hoặc các clb sở thích.
Cuối cùng, giai đoạn 4, chấp nhận. Nhớ rằng nỗi nhớ nhà là một cảm xúc bình thường và hầu hết mọi người đều trải qua giai đoạn này khi sống xa gia đình. Dần dần, bạn sẽ thích nghi và tận hưởng cuộc sống mới của mình.
Các bạn cần cô Linh tư vấn hoặc hỗ trợ trong quá trình làm hồ sơ xin visa thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ ngay với page LINH UK GO GLOBAL hoặc fanpage LINHUK nhé.
Tìm hiểu thêm về các khóa học tiếng Anh liên hệ ngay qua fanpage IELTS LINHUK