Nội dung bài viết
Liệu trong cuộc sống, đã có lúc nào bạn cảm thấy không hạnh phúc mặc dù bạn vừa đạt được một thành tựu đáng ăn mừng, nhận được học bổng, có một công việc trong mơ với một mức lương khủng? Bạn cảm thấy có điều gì đó không đúng, đây là một may mắn quá lớn, quá trình đạt được đã quá dễ dàng, bạn không xứng đáng với điều đó. Những suy nghĩ băn khoăn, lo lắng cứ quẩn quanh trong đầu bạn rằng nếu làm việc này một lần nữa mình có thành công hay không. Bạn sợ hãi vì cảm giác mọi người đã quá đề cao mình và tự áp lực cho những lần thể hiện tiếp theo vì không muốn người khác phải thất vọng. Vân vân và mây mây, những ý nghĩ và cảm giác tiêu cực này khiến bạn không thể tận hưởng trọn vẹn thành quả của mình. Có lẽ bạn là một trong số những người mắc phải “Hội chứng kẻ giả mạo” (Imposter Syndrome).
Hãy để Linh tiết lộ cho bạn một điều: mình cũng đã từng cảm thấy như vậy. Trên các trang mạng xã hội, mọi người sẽ dễ dàng nhìn thấy một Ms. Linh tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, đạt được những thành công nhất định và để lại những lời bình luận khen ngợi chúc mừng. Nhưng chính bản thân Linh đôi khi cũng tự vấn mình, liệu mình có xứng với những lời tán thưởng đó? Bạn không hề cô đơn, chúng ta không hề cô đơn, bởi trên trái đất này có hàng triệu những cá nhân xuất sắc trong chính lĩnh vực của họ vẫn trải qua những cảm giác tồi tệ này. Nhưng những đối tượng mắc phải hội chứng này nhiều nhất là:
- Phụ nữ
- Nhóm thiểu số
- Những người tham vọng
- Người theo chủ nghĩa hoàn hảo
Hội chứng kẻ mạo danh liên tục khiến bạn liên tục nghi ngờ vào năng lực của bản thân, đặt kỳ vọng quá cao trong học tập hay công việc, luôn cần sự chuẩn bị quá mức cần thiết cho bất kì tình huống nào và rụt rè trước cơ hội mới. Dần dần, những dấu hiệu này sẽ trở thành Burn out – kiệt sức vì cố gắng quá nhiều, trầm cảm, mất động lực để tiến lên, những thành tích học tập hay sự nghiệp vì thế mà bắt đầu chững lại. Bạn như mắc kẹt trong cái lồng kính gây dựng bởi những suy nghĩ giới hạn của bản thân vậy. Nhận thức được những dấu hiệu tiêu cực này càng sớm, bạn càng nhanh chóng lấy lại được phong độ và duy trì niềm tin vào năng lực bản thân. Để thoát khỏi trạng thái này, những phương pháp dưới thật sự sẽ trở nên hữu ích nếu bạn luyện tập chúng thường xuyên:
1. Học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực
Khi bạn cảm thấy không ổn vì những suy nghĩ phức tạp xuất hiện, hãy cho phép bản thân được đón nhận những cảm xúc tiêu cực đúng với bản chất của nó thay vì phải gồng lên và chối bỏ nó với những lời lẽ an ủi như “Mình hoàn toàn xứng đáng”, “Mình phải vui lên chứ”. Cảm xúc là nhất thời, nó sẽ đến rồi đi, vậy nên bạn chỉ cần mở lòng mình chấp nhận sự lo âu trong lòng bằng câu thần chú: “Mình có thể đón nhận những cảm giác này (vd: hoài nghi, lo âu, xấu hổ,…) ngay bây giờ”. Nhận thức cả những ý nghĩ như “À, mình đang có ý nghĩ là mình không tự tin để thực hiện điều này”, “Mình đang có mong muốn rằng mọi người đừng khen mình nữa”. Hít thở sâu và đều đặn, quan sát những cảm xúc tiêu cực đang len lỏi giữa các bộ phận cơ thể những suy nghĩ trong đầu một cách không phán xét. Tin mình đi, cứ kiên nhẫn với bản thân, những cảm xúc và suy nghĩ đó sẽ nhanh chóng đi qua thôi.
2. Đối mặt với những nghi ngờ bản thân
Sau khi cảm thấy bình tĩnh hơn, bạn có thể dùng phương pháp tự nói ra hoặc viết vào sổ những suy nghĩ trong đầu và trả lời những câu hỏi:
- Những suy nghĩ này giúp ích hay cản trở tôi?
- Suy nghĩ này có đúng không?
- Mình có những bằng chứng nào để chứng minh suy nghĩ này là sai?
Những câu trả lời này làm thành cơ sở để bạn tin vào chính mình thay vì tin vào những suy nghĩ dối trá kia. Bạn không phải là kẻ giả tạo bởi vì chính bạn đã bỏ công sức, thời gian, tiền bạc cho thành công này nên bạn xứng đáng với những gì được nhận.
3. Ghi nhận những thành tựu bé nhỏ và chấp nhận thất bại là một phần của quá trình tiến lên
Trong quá trình thực hiện mục tiêu, việc lên kế hoạch và theo dõi hành động là điều cần thiết. Có một cuốn sổ Planner sẽ giúp bạn quan sát cả quá trình, như vậy khi bạn đạt được mục tiêu to lớn, bạn sẽ không còn cảm thấy như một kẻ lừa đảo nữa bởi những mục tiêu nhỏ được thực hiện đã chứng minh bạn hoàn toàn xứng đáng. Ngay cả thế, sau khi hoàn thành xong những đầu việc trong ngày, bạn nên tự thưởng cho bản thân những phần thưởng bé nhỏ như thư giãn trong bồn tắm, xem một bộ phim, đi dạo,… Những phần thưởng này sẽ khích lệ tâm trí bạn rất nhiều và động lực ngày càng được gia tăng. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng thất bại là điều hoàn toàn bình thường. Nếu như có ngày nào đó bạn không thể hoàn thành được hết công việc, hay bài vở quá khó so với bạn, chấp nhận cảm giác mình là kẻ thất bại thật không dễ dàng, hãy bao dung với bản thân và đối mặt với những cảm xúc đi kèm như phương pháp ở trên nha.
4. Tìm kiếm sự trợ giúp của những người khác
Khi bạn không thể tự mình vượt qua được những rào cản tâm lý do chính mình tạo ra, bạn nên chia sẻ những trăn trở tới những người thân yêu, những người sẵn sàng lắng nghe bạn. Mọi người sẽ chỉ cho bạn thấy những suy nghĩ đó là vô lý đến mức nào và thực tế mọi người chẳng quan tâm nhiều đến vậy. Nếu chia sẻ với người thân là không đủ, bạn có lẽ sẽ cần tìm đến một nhà trị liệu. Với kinh nghiệm và kiến thức của mình, họ có thể chỉ cho bạn chính xác cách vượt qua cuộc khủng hoảng.
Với bài viết này, Linh hy vọng có thể an ủi bạn phần nào nếu bạn mắc phải Hội chứng Kẻ giả mạo. Linh chúc cho tất cả các bạn đạt được những mục tiêu mình mong muốn và một tâm lý thật vững vàng!
Nếu bạn có nhu cầu muốn khám phá bản thân mình, hiểu bản thân muốn gì, cần gì thì có thể truy cập vào fanpage EEC Vietnam của chúng tôi, một đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm sẽ luôn sẵn sàng giúp bạn tìm ra bản thân mình, định hướng lối đi đúng đắn hoặc giải quyết các vấn đề tâm lý của bạn.
#LINHUK #LINHUKGOGLOBAL #EECVIETNAM